Kinh nghiệm đào tạo  CNTT theo chuẩn ITSS tại chương trình HEDSPI - Đại học BK Hà Nội
TS. Phạm Huy Hoàng,
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông,
Trường ĐHBK Hà Nội
Email: hoangph@soict.hust.edu.vn

Tóm tắt: Bài tham luận này được chuẩn bị dựa trên kinh nghiệm hơn 10 năm triển khai  chương trình đào tạo CNTT định hướng thị trường Nhật bản tại trường ĐHBK Hà Nội. Để có thể đáp ứng một thị trường hết sức khắt khe như Nhật bản ngay khi tốt nghiệp chương trình kỹ sư 5 năm, các em sinh viên cần đạt được hai yếu tố là kỹ năng chuyên môn rất giỏi và thành thạo ngoại ngữ tiếng Nhật. So sánh với các chương trình đào tạo hiện tại của các trường trong nước, có thể nói các em sinh viên cần hoàn thành xuất sắc hai bằng đại học. Đó là bằng CNTT và bằng ngoại ngữ tiếng Nhật. Đây là một công việc vô cùng khó, đòi hỏi rất nhiều quyết tâm của cả trò và thầy, nhưng không phải là không khả thi. Sau 10 năm thực hiện, các khóa ra trường hiện tại đều có trên 50% sinh viên đạt hai tiêu chuẩn này và được tuyển dụng sang Nhật làm việc ngay như một kỹ sư CNTT Nhật bản, với mức lương như một kỹ sư Nhật bản (tương đương khoảng 50 đến 60 triệu đồng/tháng). Chuẩn kỹ năng CNTT Nhật bản ITSS được tham khảo khi xây dựng chương trình đào tạo và triển khai đào tạo. Đây là chuẩn kỹ năng khá sát với thị trường Nhật bản, đặc biệt là các kỹ năng mức cơ bản. Sinh viên tốt nghiệp với chuẩn kỹ năng ITSS đều được các công ty Nhật bản đánh giá cao. Các chương trình kích cầu cho chuẩn ITSS gần đây của chính phủ Nhật bản cho thấy họ đang quan tâm và định hướng lâu dài với ITSS.

           
1/. Giới thiệu về chương trình HEDSPI và chuẩn kỹ năng CNTT ITSS của Nhật bản

Năm 2006, xuất phát từ nhu cầu nhân lực phục vụ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các công ty CNTT Nhật bản, chương trình đào tạo HEDSPI được bắt đầu triển khai tại trường ĐHBK Hà Nội. Ban đầu, HEDSPI được vận hành dựa trên một dự án hợp tác ODA giữa hai chính phủ với cùng tên gọi HEDSPI - Higher Education Support Project on ICT. Như thông cáo báo chí chính thức của tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, nhiệm vụ của HEDSPI là dựa trên nền tảng của một trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, xây dựng chương trình đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhất phục vụ thị trường IT Nhật bản. Trích nguyên văn: “The objective of this project is to develop outstanding human resources to fill positions at educational institutions in the IT field and in IT industry, by implementing a model educational program in universities that play a leading role in Vietnam’s educational and research activities in the IT sector, and through that, to upgrade the level of education in the IT sector, and thereby contribute to the strengthening of Vietnam’s industrial competitiveness through advancement of IT technology”.

Sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ của tổ chức JICA (năm 2011), chương trình đào tạo HEDSPI được tiếp tục vận hành như một chương trình đào tạo kỹ sư chính qui chất lượng cao của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông - Trường ĐHBK Hà Nội, với tên gọi Chương trình CNTT Việt Nhật. Cho đến thời điểm năm học 2016-2017, các kỹ sư tốt nghiệp của chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật đã được biết đến rộng rãi và được đón nhận tại thị trường Nhật bản. Hàng năm, có khoảng 30 lượt các công ty CNTT Nhật bản sang tuyển dụng trực tiếp các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và làm các thủ tục để sang Nhật bản làm việc ngay sau khi nhận bằng. Trong số này, rất nhiều công ty Nhật bản quay lại chương trình CNTT Việt Nhật hàng năm để tuyển dụng sinh viên năm cuối. Việc duy trì được các đối tác “tuần hoàn” này khẳng định chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đã chinh phục được tính khắt khe của thị trường Nhật bản, tạo được mối tin cậy và nhận được kế hoạch sử dụng lâu dài.

Về nội dung chương trình đào tạo, ngoài các kiến thức nền tảng CNTT vốn là thế mạnh của trường ĐHBK Hà Nội, chuẩn kỹ năng ITSS được quan tâm triển khai trong chương trình đào tạo. Vậy tại sao lại là ITSS? Bởi vì đây là chuẩn kỹ năng tay nghề CNTT được chính phủ Nhật bản xây dựng và hướng đến làm tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các đối tác tham gia vào thị trường CNTT, bao gồm đào tạo, xây dựng, vận hành, nghiên cứu phát triển, v.v... Một cách vắn tắt, ITSS chia CNTT thành nhiều lĩnh vực, gọi là các “nghề” (Job Categories) và trong mỗi nghề lại chia nhỏ hơn thành các lĩnh vực chuyên môn hẹp (Speciality Fields).

Ngoài việc chuẩn hóa CNTT thành các “nghề” và “lĩnh vực chuyên môn hẹp”, ITSS chia mức độ tay nghề thành 7 mức, thấp nhất là mức 1 (học việc) và cao nhất là mức 7 (chuyên gia có ảnh hưởng quốc tế). Quá trình phát triển và trưởng thành nghề nghiệp của một kỹ sư CNTT có thể đi theo chiều dọc để nâng cao tay nghề trong một lĩnh vực cụ thể, hoặc đi theo chiều ngang để chuyển sang một lĩnh vực chuyên môn hẹp khác sau khi đã đạt được mức tay nghề nào đó ở lĩnh vực chuyên môn hiện tại. Để có thể sang Nhật làm việc ngay khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật được xây dựng với mục tiêu sinh viên ra trường đạt mức tay nghề cấp độ 3 (tự làm) trong khi các chương trình đào tạo CNTT ở Việt Nam thường đạt mức 2 (cần hỗ trợ) hoặc thậm chỉ chỉ là mức 1 (học việc).

 

2/. Triển khai chương trình đào tạo CNTT định hướng thị trường Nhật bản tại trường ĐHBK Hà Nội

Chương trình đạo tạo CNTT Việt Nhật được xây dựng với thời lượng 173 tín chỉ trong đó có 27 tín chỉ tiếng Nhật bắt buộc và 6 tín chỉ tiếng Nhật chuyên ngành bắt buộc. Như vậy, thời lượng các môn tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành chiếm khoảng 20% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Nếu so sánh với các môn học CNTT (cơ sở, cốt lõi ngành và chuyên ngành, không kể đồ án tốt nghiệp) là 55 tín chỉ thì thời lượng tiếng Nhật/CNTT là 33/55. Tức là sinh viên học 5 tín chỉ CNTT thì phải học 3 tín chỉ tiếng Nhật hoặc tiếng Nhật chuyên ngành. So sánh với một chương trình kỹ sư CNTT đại trà tại trường ĐHBK Hà Nội, sinh viên chương trình CNTT Việt Nhật cần đầu tư thời gian học nhiều hơn khoảng 150% đến 170%. Đảm bảo thời lượng học tập nhiều chỉ là điều kiện cần, sinh viên tốt nghiệp muốn được tuyển dụng sang Nhật làm việc ngay phải đạt trình độ tiếng Nhật N2 theo chuẩn JLPT (trình độ thấp nhất là N5 và cao nhất là N1). Để dễ hình dung, một sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật trường đại học Quốc gia Hà Nội sau 4 năm học, khi ra trường cũng đạt mức độ tiếng Nhật N2.

Với đội ngũ thầy cô giáo có chuyên môn giỏi, Viện CNTT&TT trường ĐHBK Hà Nội đã đảm nhiệm tốt công tác vận hành và giảng dạy các môn CNTT sau khi kết thúc sự hỗ trợ của tổ chức JICA. Đối với các môn tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành, do xác định được đây là cấu phần không kém phần quan trọng so với cấu phần các môn CNTT để đạt được mục tiêu đề ra, Viện CNTT&TT đã tổ chức nhiều hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo luôn có tối thiểu 02 giáo viên người Nhật tham gia giảng dạy tại chương trình. Đây là yêu tố đảm bảo chất lượng tiếng Nhật của sinh viên.

3/. Kinh nghiệm thu được và các điểm cần tiếp tục cải tiến

Dựa trên quá trình 10 năm triển khai chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật, một số kinh nghiệm có thể chia sẻ như sau:

Bên cạnh các kinh nghiệm trên, bản thân chương trình CNTT Việt Nhật tại trường đại học BK Hà Nội vẫn tiếp tục cần nhận được sự quan tâm cải thiện: